Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Linh- Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) đã trả lời phóng viên Báo Công Thương.
- STAMEQ là đơn vị ban hành, đồng thời có quyền kiểm tra, giám sát… Ông có thể cho biết đến nay có bao DN áp dụng?
Ngay sau khi QCVN 7:2011/BKHCN được ban hành, đã có nhiều DN sản xuất, nhập khẩu thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu CR theo quy định tại quy chuẩn này. Tính đến ngày 15/3/2014, theo báo cáo của các tổ chức chứng nhận được chỉ định thì đã có 27 DN sản xuất trong nước và 85 DN nhập khẩu thực hiện chứng nhận phù hợp quy chuẩn này.
Để việc tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị các DN sản xuất, kinh doanh thép làm cốt bê tông thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Nhà nước.
Ngoài ra, đối với thép làm cốt bê tông đang lưu thông trên thị trường thì sau ngày 1/6/2014, STAMEQ sẽ tiến hành kiểm tra theo quy định tại QCVN 7:2011/BKHCN và (Thông tư số 13/2013/TT-BKHCN ngày 12/4/2013 quy định về thời hạn hiệu lực áp dụng đối với thép làm cốt bê thông lưu thông trên thị trường là ngày 01/6/2014).
- Sau khi kiểm tra, nếu phát hiện được DN nào chưa thực hiện STAMEQ có hình thức xử lý như nào?
Ngày 19/7/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tại Điều 19 xử phạt vi phạm về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy; Điều 20 về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường. Nghị định này quy định cụ thể mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về hợp quy trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường. Khi QCVN 7 có hiệu lực thi hành đối với thép làm cốt bê tông lưu thông trên thị trường, STAMEQ sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra chất lượng.
Vừa qua STAMEQ đã nhận được một số phản ánh về việc vi phạm các quy định của QCVN 7 của một số DN. Tổng cục đang chỉ đạo các đơn vị chức năng txác minh làm rõ, nếu trường hợp nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
- Một số ý kiến cho rằng, nếu giao cho thanh tra địa phương tự kiểm tra DN trên địa bàn thì sẽ không tránh khỏi tiêu cực. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này?
Nhiều năm qua, Bộ KH - CN duy trì thường xuyên việc tổ chức các đợt thanh tra chuyên đề diện rộng (chuyên đề xăng dầu, chuyên đề mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, chuyên đề đồ chơi trẻ em, chuyên đề về thép xây dựng...) với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng quản lý thị trường, công an...
Ngoài các đợt thanh tra chuyên đề do Bộ KH - CN tổ chức còn rất nhiều các cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra, kiểm tra của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc Tổng cục; thanh tra Sở KHCN; Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lường các tỉnh, thành phố. Như vậy, không thể nói ban hành đủ bộ văn bản quản lý mà không có biện pháp kiểm tra, giám sát.
Theo Luật Thanh tra, thanh tra chuyên ngành tại địa phương có trách nhiệm thanh tra các lĩnh vực được phân công theo quy định của pháp luật. Như vậy, nếu nói có tiêu cực trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra thép thì cũng sẽ có tiêu cực trong các lĩnh vực khác. Để hạn chế tiêu cực cần có sự giám sát của nhiều tổ chức, cá nhân trong đó có cơ quan báo chí.
- Để QCVN 7 có tác dụng thực sự cho mỗi DN trong sản xuất thép và kinh doanh thép, Tổng cục có ban hành thêm thông tư, quy định gì liên quan không, thưa ông?
Ngoài QCVN 7:2011/BKHCN, ngày 31/12/2013 Liên Bộ Công Thương – Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Thông tư số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN để quản lý chất lượng thép (Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/6/2014), trong đó quy định nhiều chủng loại thép thuộc đối tượng phải quản lý theo quy định tại Thông tư này (Danh mục các loại thép thuộc đối tượng phải quản lý được quy định tại Phụ lục Thông tư số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN).
(sưu tầm)